Nếu đầu tư tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột theo hình thức PPP (loại hợp đồng BOT) thì Nhà nước phải hỗ trợ 87% tổng mức đầu tư mới có hiệu quả về tài chính.​

Hội đồng thẩm định nhà nước (TĐNN) vừa báo cáo Chính phủ kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1. Kết quả, có 13/15 thành viên hội đồng thông qua báo cáo do Bộ GTVT trình, đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa có ý kiến.

Nhiều phương án đầu tư PPP nhưng…

Theo Hội đồng TĐNN, Bộ GTVT đã tính toán sơ bộ ba phương án tài chính cho dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột theo phương thức đối tác công – tư (PPP) nhưng không phù hợp. Cụ thể, kịch bản Nhà nước hỗ trợ dự án 50% không đảm bảo hiệu quả về phương án tài chính theo quy định. Trường hợp để dự án hiệu quả về tài chính và thời gian thu hồi vốn khoảng 22 năm, 18 năm và 15 năm mức hỗ trợ Nhà nước rất cao, khoảng 82% đến 87% nên không phù hợp với Luật PPP và không phát huy hiệu quả đầu tư theo phương thức PPP.

Cạnh đó, Hội đồng TĐNN cho rằng việc triển khai đầu tư dự án theo phương thức PPP trong bối cảnh hiện nay chưa thể khẳng định chắc chắn triển khai thành công do còn phụ thuộc vào thị trường. Đặc biệt là khả năng huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng, trường hợp triển khai không thành công sẽ kéo dài thời gian chuẩn bị 9-22 tháng. Thực tiễn triển khai các dự án trong thời gian qua cho thấy việc đầu tư dự án PPP rất khó bảo đảm thành công.

Gỡ vướng cho cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột - ảnh 1
Dự kiến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có chiều dài 117,5 km.
Đồ họa: HỒ TRANG

Trước bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó ưu tiên cho hệ thống đường bộ quốc gia. Mục tiêu ngắn hạn là kích thích tổng cầu, tạo việc làm, tiêu thụ hàng hóa trong nước và mục tiêu dài hạn nhằm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược. Trong khi đó, dự án được đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền khai thác cho các nhà đầu tư để thu hồi vốn đầu tư. Do vậy, việc chuyển sang hình thức đầu tư công vẫn phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội để đầu tư kết cấu hạ tầng.

Vì vậy, Hội đồng TĐNN cho rằng đề xuất nêu trên của Bộ GTVT có cơ sở. Tuy nhiên, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, kết quả tính toán sơ bộ phương án tài chính theo PPP.

Hoàn thành cao tốc
trong năm 2026

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng mức đầu tư 21.935 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến bổ sung 15.250 tỉ đồng từ nguồn đầu tư công trung hạn, chương trình phục hồi kinh tế – xã hội, bán quyền thu phí cao tốc Bắc – Nam….

Giai đoạn sau năm 2025, dự án cần bố trí thêm 8.685 tỉ đồng, Bộ GTVT dự kiến sẽ cân đối từ nguồn đầu tư công trung hạn được Quốc hội phân bổ. Vì vậy, Hội đồng TĐNN kết luận: “Bộ GTVT chịu trách nhiệm về nội dung này và đảm bảo triển khai dự án đúng tiến độ”.

Bộ GTVT cũng đề xuất chia tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột thành ba dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 nằm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, dự án thành phần 3 nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Riêng dự án thành phần 2 nằm trên địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk do xây dựng hầm không thể phân chia theo ranh giới hành chính. Nên các dự án thành phần không thể vận hành độc lập.

Vì vậy, Hội đồng TĐNN cho rằng việc phân chia này không phù hợp với Luật Xây dựng. Nhưng xét theo tính chất kỹ thuật dự án thì việc phân chia trên là hợp lý và phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, nếu Chính phủ muốn giao địa phương nào làm chủ đầu tư dự án thành phần 2 thì cần phải báo cáo Quốc hội chấp thuận.

Sau khi có kết luận của Hội đồng TĐNN, Bộ GTVT đã hoàn thành dự thảo của Chính phủ trình Quốc hội để xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Về tiến độ thực hiện, Bộ GTVT cam kết thực hiện giải phóng mặt bằng trong năm 2022-2024, khởi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2026. Sau khi hoàn thành, dự án giúp rút ngắn thời gian, chi phí vận tải, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực Tây Nguyên, khu vực Nam Trung bộ.

Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột vào kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới đây. Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ được áp dụng Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó có cơ chế về chỉ định thầu, giao cho các địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần…

Với dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Chính phủ dự kiến sẽ giao 2/3 dự án thành phần cho hai UBND tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk làm chủ đầu tư, dự án thành phần còn lại sẽ do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.•

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi theo hướng nào?

Theo nghiên cứu của Bộ GTVT, dự án đi theo hướng đông tây sau khu vực đèo Bánh Ít, tuyến đi giữa quy hoạch thị xã Ninh Hòa qua xã Ninh Đông cắt đường sắt Bắc – Nam, giao đường cao tốc Bắc – Nam phía đông đoạn Vân Phong – Nha Trang. Tuyến tiếp tục đi về phía tây đến giáp ranh hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, sau đó đi theo hướng tây bắc bên phải sông Chò, đi về phía nam hồ Krông Pách Thượng, tiếp tục đi về phía bắc hồ Ea Rớt.

Từ tỉnh lộ 9 tuyến đi theo hướng đông bắc tới trước cổng Trúc Lâm Từ Giác thiền viện, đi sát phía nam hồ Ea Ly Thượng, rẽ trái chuyển hướng tây cắt tỉnh lộ 10 kéo dài và đi thẳng tới huyện Krông Pắk, kết thúc tại giao cắt với đường tránh phía đông TP Buôn Ma Thuột.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi ngay
icons8-exercise-96 challenges-icon chat-active-icon
chat-active-icon